Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

Bộ Công Thương xét chọn đề tài khoa học công nghệ năm 2016

Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị xét chọn đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ năm 2016 do Công ty VIMCC đề xuất thực hiện.

Hội đồng khoa học xét chọn đề tài khoa học công nghệ được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công thương, gồm 09 thành viên có Ông Lê Như Hùng-Trường Đại học Mỏ - Địa chất - Chủ tịch hội đồng; Ông Nguyễn Văn Long- Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng - Phó Chủ tịch; Ông Nguyễn Văn Kháng -Trường Đại học Mỏ - Địa chất - Ủy viên; và các thành viên khác trong hội đồng; về phía Công ty VIMCC  Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Giám đốc cùng với Ban chủ nhiệm đề tài Công ty

Tại Hội nghị, Công ty VIMCC đã trình bày mục tiêu, tính cấp thiết và nội dung chính của 03 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ mà Công ty đề xuất trong lĩnh vực khai thác hầm lò, lộ thiên.

+ Đối với lĩnh vực hầm lò, Công ty đề xuất 02 đề tài bao gồm:

Đề tài 01:Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm tổn thất khai thác than hầm lò vùng Quảng Ninh. Thời gian thực hiện 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài: Phạm Văn Chinh

Mục tiêu:

Đề xuất các giải pháp giảm tổn thất khai thác than áp dụng cho các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh.

Nội dung chính:

- Khái quát tài nguyên than Việt Nam;

- Đánh giá thực trạng và tổn thất khai thác than; các nguyên nhân gây tổn thất.

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm tổn thất khai thác.

Đề tài 02: Nghiên cứu phương pháp khai thác than hầm lò trong điều kiện địa chất phức tạp (đất đá vách vỉa yếu, than mềm yếu bở rời) tại mỏ than Khe Chàm III. Thời gian thực hiện 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài: Đinh Thu Thùy

Mục tiêu:

Đưa ra phương pháp khai thác than hầm lò trong điều kiện địa chất phức tạp (đất đá vách vỉa yếu, than mềm yếu bở rời) tại mỏ than Khe Chàm III.

Nội dung chính:

- Đánh giá tổng quát địa chất vùng than Quảng Ninh có điều kiện địa chất đất đá vách vỉa yếu, than mềm yếu bở rời;

- Đánh giá vùng than có yếu tố địa chất đất phức tạp đất đá vách vỉa yếu, than mềm yếu bở rời tại mỏ than Khe Chàm III ;

- Đưa ra giải pháp đào chống lò hợp lý tại mỏ than Khe Chàm III;

- Đưa ra giải pháp khai thác than hợp lý tại mỏ than Khe Chàm III;

+ Đối với lĩnh vực lộ thiên, Công ty đề xuất 01 đề tài bao gồm:

Đề tài 03: Nghiên cứu hoàn thiện phương pháp tính toán thoát nước cưỡng bức hợp lý cho các mỏ khai thác than lộ thiên Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn. Thời gian thực hiện 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài: Lê Đức Phương

Mục tiêu:

Hoàn thiện được phương pháp tính toán thoát nước cưỡng bức hợp lý cho các mỏ khai thác than lộ thiên Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn một cách khoa học, thống nhất và phù hợp với thực tiễn sản xuất nhằm tính đúng, tính đủ số lượng hệ thống bơm đảm bảo bơm hết lượng nước để sau khi mùa mưa kết thúc trong một thời gian hợp lý có thể tiến hành đào sâu đáy mỏ được bình thường.

Nội dung chính:

- Những đặc điểm địa chất thủy văn của các mỏ khai thác than lộ thiên Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn.

- Tổng quan về các thiết kế, tình hình khai thác trong thời gian qua và phương hướng khai thác trong thời gian tới của các mỏ than lộ thiên Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn.

- Tổng hợp, phân tích và đánh giá tình hình bơm thoát nước cưỡng bức của các mỏ than lộ thiên Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn trong thời gian qua.

- Nghiên cứu hoàn thiện phương pháp tính toán thoát nước cưỡng bức hợp lý cho các mỏ than lộ thiên Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn.

- Tính toán áp dụng cho 1 mỏ cụ thể (dự kiến mỏ Đèo Nai).

Hội đồng đề tài thống nhất thông qua 03 đề tài của Công ty VIMCC, yêu cầu nhóm thực hiện đề tài chỉnh sửa hoàn thiện đề tài theo góp ý của các thành viên trong hội đồng trình Lãnh đạo Bộ Công Thương tuyển chọn các đề tài được đề xuất nêu trên.

Pv: Minh Nguyên