Công điện của UBND tỉnh Quảng Ninh về chủ động đối phó với tình hình mưa, lũ, lụt và khắc phục hậu quả sau mưa kéo dài
Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND, ngày 28-7-2015 về chủ động đối phó với tình hình mưa, lũ, lụt và khắc phục hậu quả sau đợt mưa kéo dài trên địa bàn tỉnh.
Nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, giao thông đi lại khó khăn.
Theo tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết khu vực tỉnh Quảng Ninh từ ngày 29/7/2015 đến ngày 03/8/2015 sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và giông, lốc trên biển. Để chủ động đối phó với tình hình thời tiết xảy ra bất thường do mưa lớn, lũ, giông, lốc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương và Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị trên địa bàn Tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1192/CĐ-TTg ngày 28/7/2015, đặc biệt là: (1) Tiếp tục tổ chức tìm kiếm những người còn bị mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ dân còn bị cô lập, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, đảm bảo không để người dân bị đói, khát; (2) Chỉ đạo lực lượng cán bộ y tế hỗ trợ nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, tuyệt đối không để phát sinh dịch bệnh; huy động các lực lượng thanh niên, quân đội, công an trên địa bàn giúp nhân dân dựng lại nhà cửa và dọn vệ sinh môi trường trong khu dân cư, trong mỗi gia đình nơi bị ngập úng.
2. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo bằng mọi hình thức đến tận người dân về đợt thời tiết bất lợi này và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và của Tỉnh về công tác phòng chống để chủ động phòng tránh và đề phòng lũ quét, sạt lở đất, giông, lốc gây lật tàu trên biển...; tiếp tục tổ chức kiểm tra thực tế tại các thôn, khu, khe, bản, khu phố xác định thiệt hại mưa lũ gây ra. Huy động lực lượng hỗ trợ giúp các gia đình có nhà bị sập đổ, ngập úng, sạt lở để khắc phục hậu quả và di chuyển nhân dân ra khỏi vùng có nguy hiểm; vận động nhân dân chủ động khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra để sớm ổn định cuộc sống.
3. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo bằng các biện pháp cụ thể sát thực tiễn từng vị trí, từng địa bàn khu dân cư; kiểm tra ngay các khu vực xung yếu trên địa bàn; kiên quyết di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu đồi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản, khu bãi thải mỏ và dưới chân các bãi thải, công trường xây dựng... Đối với các trường hợp đã di rời thì kiên quyết không cho quay trở lại nơi ở cũ trong thời gian tiếp tục có mưa lũ xảy ra; chỉ đạo tổ chức chăm lo cuộc sống của những hộ dân đã được di chuyển để an toàn cho đến hết đợt mưa này; đồng thời bảo vệ an toàn tài sản cho nhân dân ở nơi cư trú và nơi sơ tán; chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra toàn bộ hệ thống các hồ chứa nước trên địa bàn, có kế hoạch vận hành điều tiết nước và phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và nhân dân vùng hạ du; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
4. Huy động tối đa các phương tiện, thiết bị cần thiết và lực lượng kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra; cắm biển cảnh báo và có các biện pháp nghiêm cấm người và phương tiện qua các ngầm tràn, đường tràn, các điểm bị ngập lụt sâu, các điểm đi qua sông, suối và các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn trên các tuyến đường.
5. Trong điều kiện thời tiết xấu xảy ra như các ngày vừa qua, yêu cầu Thủ trưởng các ngành chức năng, Chủ tịch UBND các địa phương có kế hoạch và chủ động kiểm tra, kiểm soát tuyệt đối không cho ra khơi hoạt động đối với tàu, thuyền vận tải, tàu thuyền khai thác hải sản và tàu vận chuyển khách du lịch, tàu nghỉ đêm trên vịnh.
6. Các lực lượng Công an, Quân đội trên địa bàn có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, thống nhất theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác phòng chống, xử lý, khắc phục hậu quả do đợt mưa lớn gây ra.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh, Báo Quảng Ninh, Cổng Thông tin điện tử của Tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên đài phát thanh truyền hình về các nguy cơ do mưa lớn, lũ lụt trên các sông suối và giông, lốc, để người dân nắm được và chủ động các biện pháp phòng tránh.
8. Yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo cụ thể xuống từng tổ dân, khu phố, phường, xã triển khai thực hiện và phân công lãnh đạo xuống kiểm tra chỉ đạo tại địa bàn để thực hiện nghiêm túc Công điện này. Yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương, Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị trên địa bàn Tỉnh triển khai thường trực nghiêm túc 24/24 giờ và kịp thời báo cáo tình hình về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh.
THEO: BÁO QUẢNG NINH
Các tin khác:
- Đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự
- Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với các công ty Trung Quốc
- Hội nghị sơ kết hoạt động SXKD9 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ quý IV/2024
- TKV tổ chức Cuộc thi và Triển lãm ảnh “Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”
- Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
- Công ty Becker – Warkop đến thăm và làm việc tại Tư vấn mỏ
- Khai xuân đầu năm Giáp Thìn 2024
- Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin: Đoàn kết - Hiệu quả - Phát triển phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ năm 2024
- VIMCC tổ chức lớp Tuyên truyền - Huấn luyện PCCC&CNCH năm 2023
- VIMCC triển khai nhiệm vụ Quý IV năm 2023