Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

HỘI NGHỊ BÁO CÁO NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KHOA HỌC

Vào lúc 8h30’ ngày 04/8/2017, tại trụ sở Tập đoàn TKV, 226 Lê Duẩn, Hà Nội, Tập đoàn TKV đã tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04 : 2009” do Công ty CP Tư vấn đầu tư Mỏ và Công nghiệp – Vinacomin (VIMCC) thực hiện.

 

Chủ trì Hội nghị ông Khuất Mạnh Thắng, phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam.

          Hội đồng Khoa học đánh giá nghiệm thu đề tài gồm các nhà quản lý, giảng dạy, nghiên cứu và cơ sở sản xuất.

          Về phía VIMCC có ông Nguyễn Việt Cường, phó Giám đốc công ty; ông Lê Đức Phương, chủ nhiệm đề tài; ông Trần Minh Nguyên, phó phòng kỹ thuật; bà Đinh Thị Thu Thùy, cán bộ quản lý khoa học công nghệ tham dự.

          Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy:

1. Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên được ban hành năm 2009 mặc dù tương đối đầy đủ và khá chi tiết đối với mỗi một công đoạn sản xuất trên mỏ lộ thiên. Tuy nhiên, hiện nay có một số trường hợp phát sinh về điều kiện tự nhiên, công nghệ và thiết bị mới chưa được đề cập tới. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu đề xuất điều chỉnh và bổ sung.

2. Các doanh nghiệp khai thác các mỏ lộ thiên lớn đều có hệ thống quản lý về công tác an toàn khá quy củ, công tác đào tạo và sát hạch công nhân về an toàn được thực hiện tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khai thác các mỏ lộ thiên nhỏ như mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là các mỏ khai thác tận thu (kể cả mỏ khoáng sản cũng như mỏ đá) công tác an toàn không được chú trọng một cách nghiêm túc, không có hệ thống quản lý an toàn mà chủ yếu chạy theo lợi nhuận.

3. Quy chuẩn Kỹ thuật về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên của mỗi nước một khác kể cả về kết cấu lẫn nội dung. Có nước quy định rất đơn giản và được thể hiện qua hình ảnh nên rất dễ hiểu, có nước quy định cụ thể về giá trị định lượng nhưng có nước chỉ quy định một cách chung chung theo nguyên tắc là chính. 

4. Có một số quy định của nước ngoài cụ thể và khác với QCVN 04 : 2009 như:

a) Kỹ thuật an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên của Trung Quốc: Khi chất tải lên ô tô, chiều cao dỡ tải của gàu xúc không được > 0,5 m đối với thùng xe; khi máy xúc hoạt động, hình chiếu theo chiều dài của nó phải vuông góc với chân tầng và phải cách chân tầng > 1 m; phân loại bãi thải; hệ số an toàn của bãi thải là > 1,15; yếu tố có hại gây nguy hiểm chủ yếu và vấn đề an toàn trong mỏ lộ thiên, v.v…

b) Quy chuẩn an toàn trong khai thác các khoáng sàng than bằng phương pháp lộ thiên của Liên bang Nga: Cấm làm việc đồng thời cùng một khu vực gồm máy gạt, xe tải và máy xúc; hệ số dự trữ ổn định bãi thải không được nhỏ hơn 1,2; chiều cao dỡ tải của máy xúc vào thùng xe ô tô cần thấp nhất có thể và trong mọi trường hợp không vượt quá 3 m; khoảng cách giữa sườn tầng, bãi thải hay phương tiện vận tải và đối trọng của máy xúc trong mọi trường hợp phải không nhỏ hơn 1 m; mép trong của đai an toàn trên tầng thải cần được bố trí ngoài phạm vi lăng trụ có thể sụp đổ của tầng thải; v.v…

c) Quy định về vận hành trong khai thác mỏ lộ thiên của Indonesia: Máy khoan chỉ được phép khoan đất đá khi đứng trên nền phẳng có độ dốc tối đa là 20o; khoảng cách dọc giữa các ô tô chạy trên đường phụ thuộc vào tốc độ của xe; khoảng cách ngang giữa 2 xe ô tô chạy ngược chiều bằng 0,5 lần chiều rộng của xe; khoảng cách giữa 2 xe ô tô đổ thải trên bãi thải tối thiểu là 5 m; khi ô tô dỡ tải trên bãi thải, bánh sau của xe không được đè trên lăng trụ trượt lở; chiều cao đai an toàn không được nhỏ hơn 1/3 đường kính bánh xe; v.v…

d) Quy định về an toàn và sức khỏe trong khai thác mỏ lộ thiên của Cộng hòa Pháp: Không thực hiện và tiến hành khai thác hầm lò dưới công trình mỏ lộ thiên đang hoạt động dưới phạm vi 30 m và theo phương ngang vượt trước không dưới 60 m; trong trường hợp có sự gián đoạn bất ngờ về nguồn cung cấp điện, các thiết bị khai thác cần phải tạm dừng và tắt ở chế độ dừng làm việc; không nên sử dụng máy gạt trên sườn dốc có độ dốc lớn hơn 25° hoặc bất kỳ một sườn dốc có độ dốc nghiêng nguy hiểm; v.v…

5. Trên cơ sở QCVN 04 : 2009, thực tế sản xuất và các Quy chuẩn của một số nước, đề tài đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung gồm:

- An toàn trong công tác xúc bốc.

          - An toàn trong công tác đổ thải.

          - An toàn trong công tác thoát nước mỏ.

Theo đó, đề tài đã dự thảo chương II “An toàn trong công nghệ khai thác mỏ lộ thiên” theo phụ lục đính kèm, trong đó:

a. Bổ sung mới 2 điều: Điều 13 “Quy định về công tác xúc bốc” và Điều 23 “Đổ thải bằng băng tải kết hợp với máy thải đá và máy gạt”;

b. Điều chỉnh và bổ sung 11 điều: Điều 9 “Hệ thống khai thác mỏ lộ thiên”; Điều 10 “Góc ổn định bờ mỏ”; Điều 11 “Bảo vệ bờ mỏ lộ thiên”; Điều 14 “Vận tải bằng ô tô”; Điều 18 “Vận tải liên hợp”; Điều 19 “Quy định về đổ thải”; Điều 20 “Thông số về kỹ thuật an toàn bãi thải”; Điều 22 “Đổ thải bằng ôtô kết hợp với máy gạt”; Điều 25 “Quy định về thoát nước mỏ”; Điều 26 “Các công trình thoát nước và tháo khô mỏ” và Điều 27 “Thoát nước ở bãi thải”.

Ngoài ra, đề tài cũng đã sắp xếp và bố cục lại một vài điều, cũng như hiệu đính lại một số từ ngữ và ký hiệu đo lường từ chương I đến chương III cho phù hợp hơn.

Kết quả đánh giá của Hội đồng, đề tài đạt loại XUẤT SẮC. Đây là đề tài cấp TKV đầu tiên do VIMCC thực hiện đạt loại xuất sắc và là tiền đề cho các đề tài khác trong thời gian tới./.

Lê Đức Phương