Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

Hội nghị thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than bùn trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Sáng ngày 05/12/2014 tại trụ sở Tổng cục Năng lượng, số 23 Ngô Quyền, Hà Nội, Tổng cục Năng lượng đã tổ chức Hội nghị thẩm định “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than bùn trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp – Vinacomin thực hiện.

Hội đồng thẩm định Quy hoạch do TS. Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng làm tổ trưởng; ThS. Trịnh Đức Duy, Phó Vụ trưởng Vụ Than làm thư ký và các thành viên Tổ thẩm định gồm các chuyên gia đại diện của các Bộ, ngành và một số địa phương: Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tầu; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Về phía Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp – Vinacomin có ThS. Lê Việt Phương, Phó giám đốc và nhóm các tác giả thực hiện Quy hoạch gồm: TS. Lê Đức Phương; ThS. Vũ Quang Dũng; KS. Lê Văn Thới; KS. Trần Thanh Hằng; KS. Phạm Đình Nam.

Trước khi tổ chức Hội nghị thẩm định, Tổng cục Năng lượng đã lấy ý kiến đóng góp, đánh giá về nội dung Quy hoạch của các Bộ, địa phương, các Nhóm thẩm định và cơ quan Tư vấn phản biện sau: Bộ Quốc phòng;  Bộ Công an; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ý kiến góp ý của 43 tỉnh 

và thành phố trực thuộc Trung ương;  Ý kiến nhận xét, góp ý của các Nhóm thẩm định và các thành viên Tổ thẩm định;  Báo cáo phản biện của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Tại Hội nghị, sau khi thư ký Tổ thẩm định trình bày về kết quả thẩm định và dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than bùn trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các thành viên Tổ thẩm định phát biểu ý kiến và đặt thêm một số câu hỏi chất vấn các vấn đề còn chưa rõ, các chuyên gia của nhóm thực hiện Quy hoạch trả lời làm rõ các vấn đề do các thành viên của Tổ thẩm định nêu ra.

Kết quả của việc lập Quy hoạch cho thấy:

Tài nguyên, trữ lượng than bùn trên toàn quốc khá lớn, lên tới trên 342 triệu tấn. Tuy nhiên, bề mặt của diện tích chứa than bùn chủ yếu hiện đang được nhân dân địa phương canh tác lúa hoặc cây hoa màu; hơn nữa nhu cầu sử dụng than bùn chủ yếu là sử dụng làm phân bón nên tài nguyên, trữ lượng được huy động vào Quy hoạch không lớn, chỉ trên 39 triệu tấn.

Sản lượng khai thác than bùn hiện nay là 0,63 triệu tấn/năm; trong giai đoạn 2016-2020 là 1,37 triệu tấn/năm; trong giai đoạn 2021-2030 là 2,57 triệu tấn/năm và chủ yếu là tập trung ở các tỉnh miền Nam.

Trên cơ sở ý kiến trả lời của các chuyên gia thực hiện Quy hoạch và kết quả bỏ phiếu thông qua của Tổ thẩm định, Tổ trưởng Tổ thẩm định kết luận:

1. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than bùn trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được soạn thảo công phu, đáp ứng đầy đủ những nội dung của Đề cương Bộ Công Thương đã phê duyệt tại Quyết định số 2095/QĐ-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2013. Đề án Quy hoạch đã phản ánh được bức tranh toàn cảnh khá đầy đủ, chi tiết về đặc điểm, hiện trạng các khu vực chứa than bùn, từ đó đề xuất được các bước đi cụ thể trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than bùn, cơ chế chính sách cần thiết để thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than bùn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Bộ, địa phương; ý kiến phản biện của Cơ quan tư vấn phản biện, Tổ thẩm định, Đơn vị Tư vấn đã giải trình, tiếp thu và chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện nội dung Quy hoạch. Tổ thẩm định thống nhất với các ý kiến tiếp thu, giải trình của Đơn vị Tư vấn.

3. Tổ thẩm định thấy rằng, tuy một số vấn đề về hiện trạng tài nguyên, hiện trạng sử dụng đất tại những khu vực phân bố than bùn, ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh cần được nghiên cứu sâu hơn trong quá trình lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng về cơ bản Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than bùn trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp - Vinacomin trình đã phản ánh được tiềm năng tài nguyên than bùn, sự cần thiết, những thuận lợi, khó khăn và kế hoạch triển khai thực hiện thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than bùn trên phạm vi cả nước./.                                                             
                                                                                                                           
Lê Đức Phương