Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

Hội nghị về phương án khai thác và đổ thải các mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn

Sáng ngày 29/10/2013, tại trụ sở Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp – Vinacomin (VIMCC) đã diễn ra hội nghị về Phương án khai thác và đổ thải các mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn.

 Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Ông Nguyễn Văn Kiệm, Ông Phạm Văn Mật – Thành viên HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Ông Lê Minh Chuẩn – Tổng Giám đốc, Ông Vũ Thành Lâm - Phó Tổng Giám đốc Vinacomin; các Ông Bà đại diện cho Ban Kế hoạch, Ban Đầu tư, Ban Khoa học Công nghệ và Chiến lược, Ban Kỹ thuật công nghệ mỏ, Ban Tài nguyên, Ban Môi trường; Ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ mỏ - Vinacomin, ông Phạm Hồng Tài - Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Công ty Than Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn; về phía VIMCC có ông Đỗ Hồng Nguyên – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, các ông Phó Giám đốc Lê Văn Duẩn, Nguyễn Việt Cường, Lê Việt Phương cùng các chuyên gia Tư vấn thiết kế cùng tham dự.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để đảm bảo cho các mỏ lộ thiên vùng Cẩm Phả (mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn, mỏ lộ thiên Khe Chàm II, Đông Đá Mài) có trình tự khai thác hợp lý nhằm tận dụng tối đa được không gian bãi thải tạm, bãi thải trong, hạn chế bãi thải ngoài, đồng bộ về tốc độ xuống sâu, có cung độ vận tải hợp lý nhất, hạn chế được việc tập trung vốn đầu tư trong cùng một thời điểm. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã giao cho VIMCC tiến hành lập "Giải pháp khai thác hợp lý các mỏ lộ thiên vùng Cẩm Phả" và đã được Tập đoàn phê duyệt tại Quyết định số 1977/QĐ-Vinacomin ngày 12/9/2012.

Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2012 và đầu năm 2013, nền kinh tế trong nước và thế giới đã có nhiều biến động theo hướng bất lợi cho ngành khai thác khoáng sản, sức tiêu thụ sản phẩm giảm, giá cả và các yếu tố đầu vào như xăng, điện tăng. Điều đó đã làm hoạt động sản xuất kinh doanh các Công ty trên gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những vấn đề đó, VIMCC đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra Phương án khái thác và đổ thải cho các mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn.

Căn cứ vào những số liệu khảo sát, điều kiện kinh tế kỹ thuật của các mỏ, VIMCC đã đưa ra 2 kịch bản như sau:

Kịch bản 1: Giá bán than theo công văn số 3935/Vinacomin-KH. Giá thành tiêu thụ than tính toán theo giá thành công đoạn, trong đó giá cả đầu vào của các công đoạn trực tiếp tăng 5%/năm, các công đoạn khác tăng 3%/năm (theo hướng dẫn của Vinacomin).

Kịch bản 2: Giá bán than theo công văn số 3935/Vinacomin-KH. Giá thành tiêu thụ than tính toán theo giá thành công đoạn, trong đó giá cả đầu vào của các công đoạn trực tiếp tăng 3%/năm, các công đoạn khác tăng 1%/năm (theo đề xuất của đơn vị tư vấn và các Công ty có liên quan), gồm 2 phương án như sau:

- Phương án 1: Xem xét trình tự khai thác các mỏ độc lập nhau     

+ Giải pháp 1A: Hạch toán toàn bộ chi phí vào giá thành       

+ Giải pháp 1B: Đưa một phần đất đá bóc vào đất bóc xây dựng cơ bản 

- Phương án 2: Xem xét khả năng kết hợp đồng thời khai thác các mỏ

+ Giải pháp 2A: Dùng khu Vỉa Chính làm bãi thải tạm       

+ Giải pháp 2B: Dùng khu Thắng Lợi làm bãi thải tạm       

Với 2 kịch bản mà VIMCC đưa ra, Hội nghị đã xem xét với tinh thần trách nhiệm cao nhất và trao đổi cởi mở, thẳng thắn về từng phương án. Các ý kiến của các Ông trong HĐTV, Ban lãnh đạo điều hành Tập đoàn và các thành viên trong hội nghị đã đồng thuận nhất trí cao phương án VIMCC lập và đề xuất.

Kết luận hội nghị, ông Lê Minh Chuẩn - Tổng giám đốc Vinacomin đã đưa ra ý kiến chỉ đạo thống nhất lựa chọn kịch bản 2, phương án 1 và giải pháp 1A mà VIMCC đã đưa ra.  Đồng thời cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ VIMCC cùng các đơn vị liên quan đã tích cực làm việc đưa ra Phương án khai thác và đổ thải các mỏ Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu nhằm sớm ổn định phát triển bền vững cho các mỏ Lộ thiên vùng Cẩm Phả.

Một số hình ảnh về hội nghị: