Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

Hội thảo lần 2 Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia

Ngày 11 tháng 11 năm 2020, tại Khách sạn Melia, Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lần 2 Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo có sự tham gia đông đảo đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban ngành liên quan, các Viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế.



Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khai mạc hội thảo


Về phía VIMCC – đơn vị thực hiện dự án Quy hoạch Phân ngành than thuộc Tập đoàn công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam, có ông Nguyễn Việt Cường – Phó giám đốc Công ty cùng các CBNV thực hiện dự án tham dự hội thảo.

Tại Hội thảo lần 1 tổ chức cuối tháng 8 mới đây, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp đã báo cáo tóm tắt về dự án Quy hoạch Phân ngành than, với 05 nội dung trọng tâm là:  Hiện trạng và định hướng phát triển ngành than Việt Nam, tình hình thực hiện quy hoạch ngành than, sự liên kết với các ngành, liên kết vùng của ngành than, hiện trạng sử dụng than tiềm năng, khả năng khai thác  - cung cấp và định hướng phát triển sản xuất than. Và cũng tại hội thảo đó, VIMCC đã nhận được nhiều tham vấn từ quý vị đại biểu. VIMCC đã tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện bản dự thảo Quy hoạch Phân ngành than.


Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Giám đốc Công ty báo cáo tại Hội thảo


Tại Hội thảo lần 2, ông Nguyễn Việt Cường đã trình bày các nội dung trong khuôn khổ các vấn đề còn lại của đề án, tập trung vào các nội dung như: phương án quy hoạch, danh mục các dự án, các giải pháp thực hiện và đặc biệt chú trọng  vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển của ngành than hài hòa, thân thiện với môi trường, cộng đồng và các ngành kinh tế khác.

Ở phương án quy hoạch, ông Nguyễn Việt Cường đã đưa ra dự báo nhu cầu than trong ngành công nghiệp, dân dụng và dự báo khối lượng than nhập khẩu từ năm 2020 đến năm 2050 cụ thể là: về nhu cầu than trong ngành công nghiệp, dân dụng khoảng 90-135 triệu tấn trong đó ngành điện chiếm khoảng 70%, phân bón hóa chất khoảng 3%, xi măng chiếm khoảng 8%, luyện kim là khoảng 9%, công nghiệp khác và dân dụng đều là khoảng 5%; về khối lượng than nhập khẩu khoảng 50-100 triệu tấn.

Dự án Quy hoạch phân ngành than đã nhận được những góp ý sôi nổi cho từ đại diện các bộ, ngành, địa phương và các đại biểu tham dự về các vấn đề: đầu tư, giá than, chính sách tiêu thụ và xuất khẩu than, chính sách nhập khẩu than và đầu tư khai thác ở nước ngoài …

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Việc xây dựng quy hoạch năng lượng sẽ góp phần đánh giá toàn diện về cung - cầu năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường mà Việt Nam đã đặt ra và cam kết với cộng đồng quốc tế.

Chính vì vậy, Quy hoạch tổng thể năng lượng lần này cần đưa ra phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng tối ưu cho quốc gia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng, do đó, việc lập Quy hoạch cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc đồng bộ và đảm bảo tính tương thích với các quy hoạch quốc gia trên và ngang cấp. Bên cạnh đó, việc đưa ra các cơ chế thực hiện quy hoạch trong giai đoạn mới cũng cần sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên liên quan.

PV.