Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

Hội thảo Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh

Ngày 01/9/2015, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chủ trì Hội thảo.


Điều chỉnh để phù hợp thực tế.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định: Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 (gọi tắt là Quy hoạch 60) đã và đang thực hiện có hiệu quả, đảm bảo cung cấp đủ than cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Quy hoạch 60, do tốc độ phát triển các ngành công nghiệp, nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu thụ chủ yếu như nhiệt điện chạy than, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim, hoá chất, giấy... có nhiều thay đổi; kết quả thăm dò tài nguyên than trong những năm qua cũng cho thấy điều kiện tài nguyên, một trong những yếu tố cơ bản đảm bảo tính hiện thực của Quy hoạch cũng có nhiều thay đổi, cần được cập nhật, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 02/VPCP-ĐMDN ngày 02/01/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 8358/QĐ-BCT ngày 18/9/2014 và Quyết định số 3852/QĐ-BCT ngày 21/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt đề cương lập Dự án Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch 60 điều chỉnh). Theo đó, Bộ Công Thương đã giao Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin (VIMCC) là Tư vấn lập quy hoạch thực hiện việc lập và đã hoàn thành Dự án Quy hoạch 60 điều chỉnh.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị, tại Hội thảo, các đại biểu sẽ tham luận khách quan và khoa học trong phân tích, đánh giá các vấn đề của Quy hoạch 60 điều chỉnh, nhằm đóng góp các ý kiến có chất lượng; để từ đó, Bộ Công Thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào cuối năm 2015.

Đại diện Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin, Phó Giám đốc Lê Văn Duẩn đã báo cáo các chuyên đề của Tư vấn lập quy hoạch bao gồm: Tài nguyên - trữ lượng và công tác thăm dò; Phân giao quản lý tài nguyên giữa TKV và Tổng Công ty Đông Bắc; Quy hoạch khai thác, sàng tuyển, vận tải ngoài và cảng xuất, nhập khẩu than; Dự báo nhu cầu sử dụng than và nguồn nhập khẩu; Phân tích kinh tế - tài chính và các giải pháp thực hiện Quy hoạch 60 điều chỉnh.

Theo đó, tổng tài nguyên trữ lượng than Việt Nam đã được điều tra, đánh giá và thăm dò tính đến hết năm 2014 là 46.961.435 ngàn tấn. Trong đó trữ lượng và tài nguyên chắc chắn và tin cậy là 3.585.316 ngàn tấn (chiếm 8%), tài nguyên dự tính là 2.296.329 ngàn tấn (chiếm 5%), tài nguyên dự báo là 41.079.727 ngàn tấn (chiếm 87%).

Tính đến hết năm 2014, toàn ngành Than đã triển khai thăm dò 27 đề án. Tuy khối lượng khoan thăm dò đạt thấp so với Quy hoạch (giai đoạn đến 2015) nhưng đã làm sáng tỏ thêm điều kiện địa chất và trữ lượng than, đáp ứng kịp thời công tác sản xuất của mỏ và nâng cấp tài nguyên trữ lượng phục vụ lập các dự án đầu tư mới.

 Định hướng để phát triển bền vững

Tham luận tại Hội thảo, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết hiện nay nhu cầu than cho phát điện đang tăng cao, đặc biệt từ năm 2020 trở đi. Về phía Quy hoạch, nên chú trọng nguồn than cung cấp cho khu vực phía Nam. Trường hợp rủi ro như mưa lũ, cần xây dựng các phương án dự phòng, đảm bảo cung cấp đủ, đều cho cả nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, đề phòng trường hợp thiếu hụt nguyên liệu thời gian dài gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Khuất Mạnh Thắng, nhu cầu sử dụng than cho sản xuất và tiêu dùng thời gian tới sẽ ngày càng tăng cao. Do đó, ông đề nghị đưa vào Quy hoạch nhu cầu sử dụng theo mùa để cân đối và phân bổ nguồn cung một cách hiệu quả và hợp lý. Phó Tổng giám đốc Khuất Mạnh Thắng cũng đề nghị TKV sẽ tiếp tục là đơn vị chủ trì thực hiện Quy hoạch 60 điều chỉnh và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cấp phép thăm dò, các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, các chuyên gia trong và ngoài nước tiếp tục tham gia tư vấn để triển khai các dự án kịp tiến độ và đạt hiệu quả cao.

Đại diện Tổng Công ty Đông Bắc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Phạm Ngọc Tuyển có ý kiến về phân tích tài nguyên, theo đó, cần đưa ra một nguyên tắc chung - phát triển hài hòa và bền vững - vì tài nguyên là của chung, của toàn dân, do Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý. Quy hoạch phải tính đến tầm nhìn dài hạn, tính đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 nhưng làm thế nào để sau năm 2030 tiếp tục có sự phát triển bền vững, hài hòa.

Đồng tình với các ý kiến tham luận tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) Nguyễn Khắc Thọ chia sẻ, câu chuyện nhập khẩu than hiện tại và trong tương lai sẽ rất khó khăn vì ngoài lượng còn phải chú ý đến chủng loại, thời gian nhập. Đại diện Tổng cục Năng lượng nhấn mạnh thêm, quy hoạch sản lượng phải hướng tới định hướng phát triển ngành Than bền vững. Lựa chọn mức sản lượng như thế nào cũng cần tính toán cho phù hợp, gắn liền với chiến lược nhập khẩu của toàn ngành cũng như cả nước. Về lâu dài, cần xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của Bể than Đồng bằng Sông Hồng trong quy hoạch đến 2020 và sau đó.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao những ý kiến góp ý thẳng thắn, tích cực của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quản lý chuyên môn liên quan đến ngành Than. Thứ trưởng nhấn mạnh, cần xác định Quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Với tư duy cởi mở, góp ý khách quan, những đóng góp cho Quy hoạch điều chỉnh mới sâu và sát thực tế, đảm bảo mục tiêu ngành Than Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

(Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương