Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

Hội thảo xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 – 2020

Sáng ngày 24 tháng 6 năm 2017, tại Công ty cổ phần Tư vấn đâu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin (VIMCC) đã tổ chức Hội thảo xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 – 2020 và mô hình sản xuất, định biên lao động. Giám đốc Đỗ Hồng Nguyên chủ trì Hội nghị.

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 02/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó ngày 10/3/2017 Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017 - 2020 trình Bộ Công Thương. Tập đoàn cũng có chỉ thị số 51/CTLT/TGĐ-CĐTKV ngày 22/3/2016 về việc tăng cường quản lý công tác tuyển dụng, sử dụng và tái cơ cấu lực lượng lao động; Chỉ thị số 102/CTLT/TGĐ-CĐTKV ngày 25/5/2017 về việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lực lượng lao động năm 2017, yêu cầu các đơn vị thành viên trong Tập đoàn triển khai tái cơ cấu lại tổ chức, tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp để việc tái cơ cấu được triển khai đồng bộ từ Tập đoàn cho đến các đơn vị thành viên.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong giai đoạn hiện nay khi ngành Than gặp nhiều khó khăn; Đòi hỏi của thời hội nhập, Công ty cần có sự thay đổi và hợp lý hóa, cơ cấu lại, quy trình kinh doanh cho phù hợp với mục tiêu chiến lược. Nếu không tái cơ cấu tài chính và tổ chức, Công ty sẽ có nguy cơ bị tụt hậu.Tái cơ cấu về tổ chức và quản lý sẽ là một bước chuẩn bị tốt cho Công ty trong quá trình hội nhập; Những hạn chế trong quản lý, điều hành, tình hình tài chính và kinh doanh của Công ty trong thời điểm hiện nay có chiều hướng trở nên xấu đi, thị trường việc làm bị thu hẹp, số lượng, giá trị các hợp đồng được ký kết ngày càng ít đi, tài chính gặp rất nhiều khó khăn; Nguồn nhân lực cũng bộc lộ những hạn chế về cơ cấu giữa bộ phận sản xuất và phục vụ, phụ trợ không cân đối, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, sự phối hợp trong quá trình sản xuất giữa các bộ phận, đơn vị cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

Cần phải tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại lao động cho phù hợp để Công ty hoạt động có hiệu quả và bền vững hơn trong tương lai. Vì vậy, Công ty cần phải thực hiện tái cơ cấu lại doanh nghiệp để nâng cao năng lực, tạo thế cạnh tranh bền vững, nâng cao vị thế trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Do đó VIMCC dã đặt ra các mục tiêu, quan điểm tái cơ cấu cụ thể:    Cấu trúc lại một số bộ phận, lĩnh vực sản xuất kinh doanh để Công ty gọn nhẹ hơn, dễ thích ứng hơn trong việc tiếp cận thị trường, tập trung vào các lĩnh vực Tư vấn thiết kế, nghiên cứu khoa học, quản lý dự án, dịch vụ thương mại, chuyển giao công nghệ, khoan thăm dò trong lò; Thay đổi tư duy quản lý, giữ chữ tín trong kinh doanh, tôn trọng các cam kết với khách hàng. Xây dựng kế hoạch và chiến lược sản xuất kinh doanh: Cơ chế điều hành Quản trị nguồn nhân lực, Chính sách tiếp cận thị trường, Quản trị chi phí, kiểm soát tài chính, Kinh doanh có hiệu quả cao;  Hoàn thiện các khâu trong quy trình sản xuất kinh doanh từ khâu tiếp cận mở rộng thị trường việc làm, tổ chức thực hiện đến tiêu thụ sản phẩm, bán hàng, nghiệm thu thanh toán;     Xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, xác định con người là yếu tố có tính chất quyết định tới sự thành công của Công ty, phải có sự định hướng mang tính chiến lược lâu dài.

Với những mục tiêu, quan điểm cụ thể trên VIMCC sẽ đạt được những hiệu quả sau khi tái cơ cấu như: sắp xếp, tổ chức lại lao động, hệ thống các phòng sản xuất, nghiệp vụ của Cơ quan Công ty, các Chi nhánh, hệ thống quản trị chi phí, hệ thống tài chính, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, tăng lợi tức cho cổ đông, đóng góp cho Ngân sách Nhà nước …Sự sắp xếp, thay đổi một cách toàn diện, theo quy trình tạo cho Công ty có khả năng để thực hiện những công việc của mình một cách hiệu quả và bền vững, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh trong và ngoài ngành, nâng cao vị thế của Công ty và không ngừng phát triển Công ty ngày càng lớn mạnh..

PV.