Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

Thẩm định kỹ thuật đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sàng tuyển của Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2 công suất 2 triệu tấn/năm”

Ngày 27/8/2015, Bộ KH&CN đã tổ chức đánh giá, thẩm định phần Kỹ thuật đề tài khoa học cấp Nhà Nước “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sàng tuyển của Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2 công suất 2 triệu tấn/năm” do Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin chủ trì thực hiện.

Hội đồng thành lập theo QĐ số 2129/QĐ-BKHCN ngày 24 tháng 8 năm 2015 gồm 09 thành viên có Ông Đỗ Hữu Hào - Nguyên thứ trưởng Bộ công thương - Chủ tịch hội đồng, Ông Nguyễn Văn Hạnh - Hội tuyển khoáng Việt Nam-Phó chủ tịch hội đồng, Bà Nhữ Thị Kim Dung - Trường Đại học Mỏ- Địa chất - Ủy viên phản biện, Ông Nguyễn Hoàng Sơn -Trường Đại học Mỏ -Địa chất và các Ủy viên khác trong hội đồng về phía Bộ KH&CN có  Ông Nguyễn Đình Hậu - Phó Vụ trưởng- Vụ KH&CN ngành kinh tế-kỹ thuật; về phía Công ty VIMCC  Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Giám đốc cùng với Ban chủ nhiệm đề tài, đại diện các Phòng, Ban Công ty.

 Trên thế giới phương pháp để tuyển than chủ yếu được dùng là phương pháp tuyển trọng lực và phương pháp tuyển nổi. Trong phương pháp tuyển trọng lực, hai quá trình tuyển được áp dụng rộng rãi là quá trình tuyển huyền phù và quá trình tuyển lắng. Phương pháp tuyển trọng lực trong môi trường nước được áp dụng nhiều hơn so với tuyển trong môi trường không khí.

Nhìn chung, quá trình tuyển huyền phù có chi phí sản xuất lớn hơn quá trình tuyển lắng, nhưng lại cho hiệu quả tuyển cao hơn. Thông thường than thuộc loại khó tuyển cần sử dụng quá trình tuyển huyền phù, còn than dễ tuyển nên sử dụng quá trình tuyển lắng.

Phân bố quá trình công nghệ theo công suất lắp đặt thiết bị tại một số nước sản xuất than chính như sau:

     - Bể huyền phù - 20,9%;            - Xiclon huyền phù - 28,4%

     - Máy lắng - 19,6%;                   - Tuyển nổi - 13,6%

- Máng xoắn - 9%;                     - Còn lại là bàn đãi, xiclon nước, các loại khác….

Hiện nay ngành than Việt Nam (TKV) đang có 4 nhà máy sàng tuyển than tập trung được xây dựng tại tỉnh Quảng Ninh, trong đó có 2 nhà máy (Nhà máy tuyển than Cửa Ông 1 và Nhà máy tuyển than Cửa Ông 2), vùng Hòn Gai có 1 nhà máy (Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trằng) và vùng Uông Bí có 1 nhà máy (Nhà máy tuyển than Vàng Danh 1). Các nhà máy này đều được các nước như: Pháp, Nga, Balan và Úc xây dựng và vẫn đang hoạt động tốt. Trong nhiều năm qua cùng với sự tồn tại của các nhà máy này than thương phẩm sau sàng tuyển và chế biến đã đáp ứng ổn định cho nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, hiệu quả kinh tế mang lại từ các nhà máy sàng tuyển là rất lớn cho ngành than. Theo Quy hoạch 60 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ nay cho đến 2030 ngành than phải đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy sàng tuyển tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó riêng vùng Uông Bí sẽ được xây dựng 4 nhà máy sàng tuyển là Nhà máy sàng tuyển than Mạo Khê, Nhà máy sàng tuyển than Đông Triều - Phả Lại, Nhà máy sàng tuyển than Khe Thần và Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2. Hiện các nhà máy nay đang được dự kiến đầu tư hoặc đạng được thực hiện ở các bước chuẩn bị đầu tư. Thiết bị, công nghệ hoàn toàn phải sử dụng của nước ngoài. Để phục vụ yêu cầu sản xuất và kinh doanh của TKV trong nhiều năm qua Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp – Vinacomin đã nghiên cứu thiết kế cải tạo, nâng công suất một số nhà máy tuyển than như: Nhà máy tuyển Vàng Danh 1 (Công suất cải tạo từ 500 nghìn tấn/năm lên 2 triệu tấn năm); Nhà máy tuyển Cửa Ông 1 (Công suất cải tạo từ 1 triệu tấn/năm lên 3,5 triệu tấn/năm), các nhà máy này hiện đang hoạt động rất hiệu quả mang lại doanh thu lớn cho TKV.

Tại Việt Nam mặc dù đã có rất nhiều các đề tài nghiên cứu về công nghệ tuyển than nhưng chỉ dừng lại ở việc định hướng theo mô hình công nghệ cho từng khâu hoặc nghiên cứu lựa chọn sơ đồ công nghệ tuyển than, về giải pháp thiết kế làm chủ công nghệ để ứng dụng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sàng tuyển than còn rất mới đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sàng tuyển của Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2 công suất 2 triệu tấn/năm” sẽ giải quyết các vấn đề trên với các mục tiêu:

 - Làm chủ nghiên cứu, thiết kế, công nghệ của Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2.

- Tính toán lựa chọn các chỉ tiêu công nghệ, các thông số kỹ thuật phù hợp với dây chuyền công nghệ nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2 phục vụ cho công tác lựa chọn thông số thiết bị và chế tạo thiết bị.

- Nâng cao khả năng tự nghiên cứu, thiết kế, hướng dẫn lắp đặt và vận hành lĩnh vực sàng tuyển chế biến than tại các nhà máy trong nước đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.

- Làm cơ sở khoa học và kinh nghiệm để ứng dụng cho các nhà máy sàng tuyển than khác dự kiến chuẩn bị đầu tư xây dựng theo định hướng của quy hoạch phát triển ngành than trong tương lai.

Hội đồng đã thẩm định kết quả kỹ thuật của đề tài với tổng 9/9 phiếu hợp lệ với tổng điểm 80,1 đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn trên 70 điểm đề tài được phép triển khai thực hiện. Hội đồng đề tài yêu cầu nhóm thực hiện đề tài chỉnh sửa hoàn thiện đề tài theo góp ý của các thành viên trong hội đồng trước 10/9 để tiếp tục trình hội đồng thẩm định phần dự toán kinh phí thực hiện đề tài chuẩn xác nhất.

Pv: Minh Nguyên