Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

TKV nỗ lực bảo vệ môi trường trong sản xuất

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, với nhiều lĩnh vực như khai khoáng, sản xuất điện, vật liệu nổ công nghiệp…, đặc biệt là khai thác, chế biến than tại Quảng Ninh, là lĩnh vực sản xuất tác động ảnh hưởng đến môi trường, do vậy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn quan tâm chú trọng thực hiện công tác môi trường, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ

Với chiến lược phát triển sản xuất luôn đi đôi với bảo vệ môi trường, hằng năm TKV đã chi cho công tác bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng. Theo Ban Môi trường TKV, năm 2021, Tập đoàn đã chi 1.160 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), riêng tại vùng Quảng Ninh là 1.076 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, nhiều dự án, công trình môi trường được đầu tư đưa vào hoạt động phục vụ hiệu quả công tác (BVMT) trong quá trình sản xuất của TKV. Đối với công tác xử lý nước thải mỏ, điểm nhấn là ngành Than đã đầu tư, hoàn thành nâng công suất 05 trạm xử lý nước thải mỏ gồm nâng công suất các Trạm Mông Dương, Núi Nhện, Ðồng Vông, Mạo Khê và đầu tư mới Trạm Núi Hồng. Đến nay toàn Tập đoàn có 50 trạm xử lý nước thải trong hoạt động sản xuất than, trong đó 47 trạm xử lý nước thải mỏ, 03 trạm xử lý nước thải công nghiệp. Tổng lượng nước thải mỏ đã qua xử lý trong năm 2021 đạt hơn 141 triệu m3, và đều được xử lý bảo đảm quy chuẩn môi trường quy định trước khi xả thải ra môi trường. Các trạm xử lý nước thải mỏ cũng được TKV đầu lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối thông số kỹ thuật, giám sát tự động vấn đề xử lý nước thải. Các thông số kỹ thuật xử lý nước thải của các trạm được truyền dữ liệu về Trung tâm quan trắc môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh để giám sát, quản lý.

TKV nỗ lực bảo vệ môi trường trong sản xuất

Hằng năm, TKV trồng hàng nghìn ha cây xanh tại các khu vực bãi thải, khu vực dừng khai thác, đổ thải

Trạm xử lý nước thải 1.200m3/h Mạo Khê được đưa vào hoạt động từ năm 2011. Đây là một trong 2 trạm xử lý nước thải chính phục vụ nhu cầu sản xuất than của Công ty Than Mạo Khê. Sau hơn 30 năm đi vào hoạt động, trước nhu cầu khai thác than hầm lò mỏ Mạo Khê xuống sâu, phát sinh chất thải mỏ ngày càng tăng cao, TKV đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng cho Dự án nâng công suất Trạm xử lý nước thải 1.200m3/h Mạo Khê lên công suất 2.400m3/h. Khi hoàn thành, đây là một trong những trạm có công suất xử lý nước thải lớn nhất hiện nay.

Ông Hoàng Xuân Tùng, Phó Quản đốc Phân xưởng xử lý nước Uông Bí, Công ty Môi trường - TKV cho biết “Phân xưởng được giao quản lý, vận hành 16 trạm xử lý nước thải vùng Uông Bí - Mạo Khê và Thái Nguyên. Trong đó, Trạm xử lý nước thải 1.200m3/h Mạo Khê do Công ty mở rộng diện khai thác và khai thác xuống sâu nên phát sinh nước thải mỏ cần xử lý. Khi nâng công suất từ 1.200m3/h lên 2.400m3/h sẽ xử lý triệt để nước thải mỏ tại mặt bằng +17, một phần nước sau xử lý được tái sử dụng phục vụ sản xuất, vệ sinh công nghiệp. Toàn bộ nước thải mỏ từ hầm bơm -80 và -150m Công ty Than Mạo Khê đều được thu gom xử lý, đáp ứng tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, đảm bảo công tác môi trường tại khu vực”.

Cùng với Dự án nâng công suất Trạm xử lý nước thải 1.200m3/h Mạo Khê lên công suất 2.400m3/h, các trạm xử lý nước thải khác được nâng công suất, gồm: Trạm xử lý nước thải +131 mỏ than Đồng Vông; trạm xử lý nước thải Núi Nhện; trạm xử lý nước thải -97,5 Mông Dương và đầu tư mưới Trạm xử lý nước thải mỏ than Núi Hồng. Các trạm đều được nâng công suất trung bình từ 350m3/h đến 1.200m3/h.

Từ năm 2010 trở về trước, các trạm xử lý nước thải của TKV chủ yếu vận hành bằng công nghệ bể lắng ngang, lọc áp lực, tuy nhiên hiện nay hầu hết các trạm xử lý nước thải mỏ đã được thay thế, áp dụng công nghệ hợp khối và tấm lắng nghiêng. Nhờ thay thế công nghệ này đã giúp các trạm xử lý nước thải tăng tốc độ lắng, hạn chế diện tích bể lắng sử dụng; xử lý nước thải hiệu quả hơn trước và tiết giảm nhiều chi phí trong quá trình hoạt động.

TKV nỗ lực bảo vệ môi trường trong sản xuất

Lãnh đạo Tập đoàn và Ban MT TKV kiểm tra công tác trồng cây cải tạo phục hồi môi trường tại các mỏ lộ thiên vùng Hòn Gai

Để đáp ứng được năng lực xử lý nước thải mỏ, dự kiến giai đoạn 2022-2025, TKV tiếp tục đầu tư nâng công suất thêm 5 trạm xử lý nước thải tại 5 mỏ, gồm: Cọc Sáu, Cao Sơn, Dương Huy, Núi Béo và Thành Công (Than Hòn Gai). Trong bối cảnh TKV đang tăng sản lượng khai thác than, điều kiện sản xuất tại các mỏ hầm lò ngày càng xuống sâu, diện sản xuất moong than lộ thiên cũng mở rộng, dẫn đến lượng nước thải cần xử lý ngày càng tăng cao, việc tiếp tục đầu tư nâng công suất các trạm xử lý nước thải sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải mỏ trong quá trình sản xuất của TKV.

Bảo vệ môi trường các bãi thải mỏ

Hằng năm, TKV đã đầu tư triển khai nhiều công trình BVMT, tại vùng Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 15 công trình BVMT hoàn thành trên tổng số 18 công trình năm 2022; 03/18 công trình đang thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2022, giá trị thực hiện các công trình trên 41.5 tỷ đồng bằng 99,08% kế hoạch. Các đơn vị trong TKV đã thực hiện tốt việc quan tâm chăm sóc, duy trì cảnh quan các công trình đảm bảo các mục tiêu môi trường đã đề ra.

Đối với các bãi thải mỏ thực hiện đổ thải đất đá trong quá trình khai thác than lộ thiên, Công ty CP Than Cao Sơn đã thực hiện Phương án BVMT tổng thể bãi thải Bàng Nâu với những nội dung, tiến độ cụ thể. Do khu vực bãi thải Bàng Nâu tiếp giáp với tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn nên công tác BVMT luôn được TKV và Than Cao Sơn chú trọng. Để hạn chế tối đa việc phát tán bụi trong quá trình đổ thải, trong 7 tháng đầu năm tại khu vực này đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng 08 máy phun sương cao áp dập bụi công suất lớn, phục vụ phun dập bụi các tầng vành đai (+80, +110 và tầng +300), đạt 100% khối lượng theo kế hoạch được duyệt, nâng tổng số máy phun sương dập bụi công suất lớn tại khu vực bãi thải Bàng Nâu là 11 máy.

 

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các công trình, hạng mục như thi công đê ngăn đất đá số 10; cải tạo các tầng của bãi thải theo thiết kế; thi công xây dựng hệ thống dốc nước sườn bãi thải số 1 và số 2 theo tiến độ đến giai đoạn kết thúc đổ thải; trồng cây trên toàn bộ phần diện tích còn lại của bãi thải Bàng Nâu trên 300 ha cây xanh; xây dựng dốc nước số 1 từ tầng +50 về đập ngăn đất đá số 5; xây dựng Đê ngăn đất đá số 9; trồng trên 15 ha cây xanh tại tầng +50. Các hạng mục, công trình trên đã được Công ty thực hiện và hoàn thành theo đúng tiến độ của phương án. Dự kiến trong 5 tháng cuối năm 2022, Công ty tiếp tục triển khai công trình Đê ngăn đất đá số 10; công trình dốc nước số 1 từ tầng +80 về tầng +50…

Do khu vực bãi thải Bàng Nâu tiếp giáp với tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, để đảm bảo công tác BVMT và an toàn cho tuyến đường cao tốc, Công ty đã lập Phương án củng cố tuyến mương thoát nước số 1, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2021; Phương án củng cố đê ngăn đất đá số 4 và đảm bảo thoát nước đoạn km 43+500 tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn khu vực giáp ranh giữa bãi thải Bàng Nâu, công trình đang được thi công và dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 8/2022. Công ty cũng lắp đặt trạm bơm công suất 1.200m3/h để thường trực bơm thoát nước trong mùa mưa tại khu vực hồ nước phía hạ lưu Đê ngăn đất đá số 9 đoạn Km43+500 phần giáp ranh với tuyến cao tốc…

 

Đối với vùng Hòn Gai, thực hiện Phương án BVMT tổng thể mỏ than Hà Tu, năm 2021, Công ty CP Than Hà Tu đã hoàn thành thực hiện đầu tư, tiến hành lắp đặt và đưa vào sử dụng 04 hệ thống phun sương cao áp dập bụi cố định tại khu vực kho than và di động tại khu vực các bãi thải; năm 2022 đã hoàn thành đầu tư 01 xe tưới nước dập bụi chuyên dụng đưa vào hoạt động. Cùng với đó, đã triển khai phương án trồng vành đai cây xanh xung quanh biên giới khai trường sản xuất theo đúng tiến độ đề ra.

Với những nỗ lực và quyết liệt trong bảo vệ môi trường khu vực bãi thải mỏ, đã đáp ứng tiến độ khắc phục ô nhiễm môi trường, đảm bảo mục tiêu môi trường đề ra, được chính quyền, dư luận xã hội ghi nhận trong thời gian vừa qua.

Đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy

Trong những năm vừa qua, đặc biệt là vào những dịp Tết trồng cây, TKV đã tổ chức phát động và trồng hàng nghìn ha cây xanh tại các khu vực bãi thải, khu vực dừng khai thác, đổ thải, các tuyến đường mỏ…, riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 TKV đã thực hiện trồng cây cải tạo phục hồi môi trường trên 108ha, đạt 54% kế hoạch năm 2022, bằng 146 % so với cùng kỳdiện tích trồng chủ yếu ở vùng Quảng Ninh.

TKV nỗ lực bảo vệ môi trường trong sản xuất

Xe tưới nước dập bụi chuyên dụng do Công ty CP Công nghiệp Ô tô - Vinacomin nghiên cứu, cải hoán, chế tạo hoạt động trên đường mỏ Công ty CP Than Đèo Nai

Công tác BVMT đã được các doanh nghiệp ngành Than thực hiện với ý thức, trách nhiệm rất cao, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu song hành cùng sản xuất, góp phần xây dựng môi trường sống, làm việc xanh, sạch, đẹp. Cùng với việc trồng cây cải tạo phục hồi môi trường các khu vực bãi thải, khu vực dừng đổ thải, các tuyến đường mỏ, điển hình như Than Đèo Nai, Núi Béo, Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gai…, trong nhiều năm vừa qua, các đơn vị sản xuất than lộ thiên, hầm lò, các nhà máy tuyển than, cơ khí, điện… đã xây dựng vườn hoa, cây xanh tại khuôn viên văn phòng các phân xưởng trên khai trường mỏ, tại mặt bằng công nghiệp, trong khuôn viên nhà máy… tạo cảnh quan môi trường theo tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch” và chủ trương “Đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy” của Tập đoàn để mỗi phân xưởng, công trường, nhà máy như một công viên thu nhỏ.

TKV nỗ lực bảo vệ môi trường trong sản xuất

Cây phi lao được trồng thành rừng ở bãi thải Nam Đèo Nai

Trong hoạt động này, Đoàn Than Quảng Ninh và Đoàn TN Tập đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức các hoạt động Tết trồng cây, hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới 5/6 với nhiều hoạt động, trồng và chăm sóc cây xanh, vườn hoa cây cảnh, tổ chức vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường…, Điển hình như Công trình “Khuôn viên trong Mỏ" do Đoàn TN Công ty CP Than Đèo Nai đảm nhận, thực hiện tại khai trường mỏ than Đèo Nai với tổng số 13 địa điểm thuộc mặt bằng các công trường, phân xưởng nằm trong khai trường mỏ. Công trình có giá trị hơn 6,1 tỷ đồng, gồm các hạng mục: củng cố, nâng cấp các tuyến đường, kè đá, gờ bê tông an toàn, chống sạt lở, củng cố các tuyến mương, rãnh thoát nước, trồng cây xanh, cải tạo khuôn viên, vườn hoa cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Công trình nhằm đảm bảo công tác thoát nước, hạn chế trôi lấp đất đá, giảm thiểu bụi và tiếng ồn phát tán, cải thiện cảnh quan môi trường các mặt bằng sản xuất, văn phòng điều hành của các công trường, phân xưởng…, Công trình “Khuôn viên trong Mỏ" với khối lượng công việc lớn, nhiều hạng mục, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, giữ gìn, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, thực hiện chủ trương “Đưa công viên vào trong các cơ sở sản xuất" của TKV, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Qua đó, khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ trong sản xuất và công tác bảo vệ môi trường.

Đoàn TN các cấp trong Tập đoàn tập trung tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, vận động ĐVTN, và người lao động trong Tập đoàn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định bảo vệ môi trường của Luật môi trường sửa đổi năm 2020; Nghị quyết số 27-NQ/ĐU ngày 13/4/2022 của Đảng ủy Tập đoàn về “Tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong TKV giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030”…, Tích cực đăng ký đảm nhận các công trình phần việc thanh niên, mô hình TN quản lý, tham gia quản lý về công tác môi trường…, trồng và chăm sóc cây xanh tại các khu vực bãi thải mỏ, khuôn viên nhà xưởng, văn phòng làm việc…, Tổ chức các hoạt động ra quân VSMT, gắn với việc thực hiện tốt phong trào ngày “Thứ bảy tình nguyện”, ngày “Chủ nhật xanh”. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức tự giác cho ĐVTN và người lao động trong công tác BVMT…

Với rất nhiều giải pháp, biện pháp BVMT được áp dụng tại các đơn vị ngành Than, đã xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh; chất lượng môi trường, cảnh quan các khu vực có hoạt động sản xuất của TKV và các khu vực dân cư, đô thị lân cận đã được cải thiện. Qua đó, từng bước giảm ảnh hưởng của quá trình khai thác, chế biến than, khoáng sản đến môi trường; đưa công nghiệp khai khoáng trở thành ngành kinh tế phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường, với cộng đồng.

Trong thời gian tới, TKV tiếp tục thực hiện các phương án bảo vệ môi trường tổng thể theo mô hình cụm tại các đơn vị; đôn đốc các Phương án BVMT tổng thể đã thông qua như Phương án BVMT tổng thể Cảng Km6, mỏ Hà Tu, Cảng Làng Khánh, Nhà máy tuyển than và Cảng Cửa Ông, bãi thải Bàng Nâu, trong đó tập trung chỉ đạo Phương án  BVMT tổng thể Cảng Km6. Thực hiện việc thu gom xử lý triệt để các loại chất thải nhất là công tác quản lý chất thải nguy hại theo đúng các quy định của pháp luật. Chủ động trong công tác vệ sinh môi trường, công tác chống bụi tập trung vào các bãi thải, các tuyến đường gần khu dân cư đô thị như bãi thải Bàng Nâu, Đông Cao Sơn, Nam Khe Tam - Đông Khe Sim, đặc biệt tăng cường chống bụi trong mùa nắng nóng. Tiếp tục rà soát, kiểm tra đối với công tác đổ thải thực hiện tuân thủ thiết kế, quy trình đổ thải được duyệt đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường trong hoạt động đổ thải.

TKV nỗ lực bảo vệ môi trường trong sản xuất

Đưa công viên vào trong nhà máy ở Công ty Tuyển than Cửa Ông

Đồng thời, Tập đoàn triển khai chủ trương tái sử dụng nước thải mỏ, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản của Tập đoàn. Trước mắt sẽ triển khai cải tạo, phục hồi môi trường moong khai thác than lộ thiên 917 - Công ty Than Hòn Gai khi kết thúc khai thác và đóng cửa mỏ, chuyển moong 917 sử dụng làm hồ dự trữ nước ngọt với dung tích 20 triệu m3, tiến hành trồng cây phi lao và keo lai diện tích 60ha xung quanh hồ với mật độ 2.500 cây/ha. Tháng 7/2022 vừa qua, Tập đoàn đã tổ chức hội nghị phổ biến nhiệm vụ giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo Luật BVMT 2020 và thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tiếp theo, sẽ xây dựng ban hành và triển khai thực hiện chương trình hành động của TKV thực hiện những cam kết của Việt Nam tại COP26.

Theo: Vinacomin