Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

Triển vọng các dự án alumin ở Tây Nguyên

Thời gian qua, Ðảng, Nhà nước đã chủ trương thăm dò, khai thác bô-xít, chế biến alumin và luyện nhôm nhằm xây dựng ngành công nghiệp nhôm, một ngành kinh tế có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao thí điểm đầu tư hai dự án alumin ở Tây Nguyên, hiện dự án Tân Rai (Lâm Ðồng) đã đi vào vận hành, sản xuất thương mại, còn dự án Nhân Cơ (Ðắk Nông) cuối năm vừa qua đã ra các sản phẩm đầu tiên, bước đầu đạt hiệu quả, mở ra triển vọng cho ngành công nghiệp mới ở nước ta.

Ðóng gói alumin tại Nhà máy Alumin Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Ðồng).

Vận hành ổn định

Gần đến huyện Ðắk R'lấp (Ðắk Nông), con đường quanh co dường như rộng hẳn ra và bớt gập ghềnh. Giữa mầu xanh bạt ngàn của hồ tiêu, cà-phê trên vùng đất đỏ ba-dan, từ xa đã thấy nổi bật lên khuôn viên Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Theo Giám đốc Công ty Hoàng Khải Quốc Minh, nhà máy có công suất 650 nghìn tấn alumin/năm, tổng mức đầu tư 15.634 tỷ đồng. Ðến thời điểm này, TKV đã cơ bản hoàn thành các hạng mục từ khai thác đến sàng tuyển, chế biến, đưa vào vận hành, cho ra tấn sản phẩm alumin thử nghiệm đầu tiên. Ngay từ giai đoạn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công, chủ đầu tư đã phối hợp nhà thầu tư vấn thiết kế điều chỉnh một số hạng mục của công trình nhà máy tuyển quặng, nhà máy alumin và hồ bùn đỏ, nâng cao chất lượng vận hành, bảo đảm an toàn môi trường; giảm chi phí đầu tư sản xuất.

Tại dự án Nhân Cơ, trên kinh nghiệm thực tế sản xuất của Nhà máy Alumin Tân Rai, TKV đã yêu cầu Tổng thầu EPC Chalieco điều chỉnh, cải tiến một số hạn chế lưu trình công nghệ ở các khâu trung hòa quặng, nghiền quặng, thiết bị gia nhiệt ống chùm, khu vực hòa tách, khu lọc và kết tinh hydrat, khu lắng rửa bùn đỏ, nhằm hoàn thiện quá trình thao tác vận hành, nâng cao hiệu quả sử dụng cho thiết bị. Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Nhà máy tuyển Nhân Cơ đã có nhiều cải tiến về sơ đồ công nghệ tuyển, sử dụng hai cấp sàng quay đánh tơi, sử dụng sàng rung rửa để phân loại cỡ hạt 20 mm,... Ðối với hồ bùn đỏ, dự án được bổ sung cơ cấu tràn xả lũ giữa hai khoang hồ để nâng cao độ an toàn trong trường hợp mưa lũ lớn. Nếu dự án alumin Tân Rai sau khi hoàn tất các công đoạn, phải mất một năm thử nghiệm mới cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, thì ở Nhân Cơ, sau khi vận hành, chạy thử ba tháng đã ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Sản lượng chạy thử của dự án lũy kế đến cuối tháng 6-2017 đạt 234.500 tấn alumin quy đổi, phấn đấu năm nay đạt sản lượng 450 nghìn tấn. Tính đến đầu tháng 7, nhà máy đã xuất khẩu được gần 33 nghìn tấn hydrat và gần 164 nghìn tấn alumin với mức giá 310 đến 330 USD/tấn alumin. Khi nhà máy điện phân nhôm Ðắk Nông do Công ty Luyện kim Trần Hồng Quân đầu tư đi vào hoạt động, sẽ cung cấp chủ yếu sản phẩm alumin cho nhà máy điện phân nhôm, phần sản phẩm còn lại sẽ xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðắk Nông Trần Xuân Hải đánh giá: Ðến nay, dự án đã đóng góp gần 1.060 tỷ đồng vào ngân sách T.Ư và địa phương, chưa kể thuế, phí; hỗ trợ huyện Ðắk R'lấp 100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, an sinh xã hội. Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ tạo thêm việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương và các ngành nghề kinh tế khác có liên quan. Dự án góp phần đáng kể trong tăng trưởng GDP, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ðắk Nông.

Ðạt hiệu quả kinh tế - xã hội

Do alumin và hydrat là hai dòng sản phẩm mới của TKV, cũng là những sản phẩm lần đầu được sản xuất tại Việt Nam với quy mô lớn, cho nên phần lớn để xuất khẩu. Với sự nỗ lực của TKV và các cơ quan chức năng, sản phẩm hiện nay đã tiêu thụ ổn định, đa dạng hóa hình thức giao hàng (đóng bao và hàng rời), khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Hiện nay, TKV đã tiêu thụ alumin/hydrat tại các thị trường Trung Quốc, Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái-lan, dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng sang các khu vực Trung Ðông, Ma-lai-xi-a,... Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải phân tích: Theo phương án đầu tư, dự án alumin Tân Rai sẽ lỗ kế hoạch trong 5 năm đầu đi vào sản xuất, kinh doanh. Do chính sách thuế của Nhà nước thay đổi, từ đầu năm 2016 phát sinh thuế xuất khẩu alumin 2%, thuế tài nguyên bô-xít của tỉnh Lâm Ðồng tăng hơn 30 nghìn đồng/tấn quặng nguyên khai, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng hiệu quả của dự án. TKV đã áp dụng các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền, nâng cao sản lượng sản xuất và quản trị chi phí, giảm giá thành sản phẩm alumin từ gần 5,2 triệu đồng/tấn (năm 2014) xuống 4,1 triệu đồng/tấn (năm 2016), giá giao kế hoạch năm nay còn 3,985 triệu đồng/tấn (giá thành phân xưởng, bằng 76% so giá thành thời điểm năm 2014). Với giá xuất khẩu như hiện nay (310 đến 330 USD/tấn alumin), dự án đã tự cân bằng thu chi, bắt đầu có lãi ngay trong năm nay, cắt lỗ trước kế hoạch một năm. Quý I vừa qua, dự án đã lãi hơn 20 tỷ đồng. Ba năm qua, nhà máy lỗ kế hoạch 3.645 tỷ đồng, cắt lỗ sớm một năm, TKV đã tiết kiệm được khoảng 1.200 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nhôm Lâm Ðồng Vũ Minh Thành dẫn chúng tôi khảo sát thực tế tại khu vực hoàn thổ của dự án. Quá trình khai thác tiến hành theo hình thức cuốn chiếu và hoàn thổ từng phần, khai thác đến đâu, hoàn thổ đến đó, sử dụng đất màu khi bóc phủ để tạo mặt bằng và trồng cây theo đúng thiết kế phê duyệt. Năm 2016, dự án Tân Rai đã đạt công suất 600 nghìn tấn alumin, năm nay tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch 650 nghìn tấn alumin quy đổi. Trong 6 tháng qua, lợi nhuận trước thuế của dự án đạt hơn 60 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương gần 2.250 tỷ đồng; năm 2017, thu nhập bình quân người lao động của Công ty dự kiến 8,1 triệu đồng/tháng.

Ðánh giá cao tính hiệu quả của hai dự án alumin từ khi triển khai đến thời điểm hiện tại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Ðỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Hai dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tính quyết định đến việc phát triển ngành công nghiệp alumin - nhôm ở nước ta. Thực tiễn khẳng định, cả hai dự án đã thành công, đạt được mục tiêu đầu tư khai thác quặng bô-xít, sản xuất ra alumin đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, mở ra thị trường tiêu thụ sản phẩm alumin với nhiều đối tác, bạn hàng trên thế giới.

Từ khi triển khai hai dự án alumin Tân Rai và Nhân Cơ đến nay, dư luận xã hội tỏ ra lo ngại nhất là vấn đề môi trường. Với vai trò chủ đầu tư, TKV đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, địa phương và yêu cầu của người dân. Cả hai dự án đang đầu tư thực hiện quan trắc môi trường trực tuyến, sẽ hoàn thành trong năm nay. Trong quá trình quan trắc, bất cứ khu vực nào có vấn đề, sẽ lập tức dừng sản xuất để khắc phục, không để xảy ra sự cố ảnh hưởng môi trường.

ÐẶNG THANH HẢI - Tổng Giám đốc TKV

Theo: báo nhân dân