Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

Ngành Than quyết liệt cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất

Để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, bảo đảm an toàn sản xuất cũng như cạnh tranh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã quyết liệt ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý.

Tăng chi phí khai thác

Ông Kiều Kim Trúc - Phó trưởng Ban Khoa học công nghệ thông tin và Chiến lược phát triển của TKV - cho biết: Nhu cầu sử dụng than của Việt Nam chủ yếu là than nhiệt (bitum, á bitum, antraxit) để cung cấp cho nhiệt điện, xi măng, phân đạm, hóa chất; than mỡ phục vụ luyện kim và than bùn sử dụng làm chất đốt, phân bón. Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khả năng sản xuất than thương phẩm của toàn Ngành giai đoạn năm 2017 - 2020 từ 42,6 - 56,6 triệu tấn, trong đó, TKV chiếm 72 - 84%. 

Tuy nhiên, điều kiện khai thác than ngày càng khó khăn, xuống sâu hơn, xa hơn khiến tăng chi phí khai thác. Nếu như suất đầu tư năm 2000 chỉ khoảng gần 50 USD/tấn, thì nay tăng lên 150 - 180 USD/tấn công suất mỏ hầm lò. Các mỏ hầm lò đã phải khai thác ở mức sâu đến - 500m so với mực nước biển. Với các mỏ lộ thiên, hệ số bóc đất đã tăng 3,1 lần, từ 3,41m3/tấn lên 10,71 m3/tấn, cung độ vận chuyển đất tăng 4 lần, từ 1,03km lên 4,1km. Bên cạnh đó, thị trường lao động khó khăn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và công nhân lành nghề, trong khi sức hút vào ngành mỏ giảm sút so với nhiều ngành nghề khác hấp dẫn hơn.

Áp dụng công nghệ tiên tiến

Theo ông Kiều Kim Trúc, để phát triển ngành Than, cần chú trọng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghệ than sạch làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020, TKV đã định hướng tập trung vào 6 chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm gồm: Cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản; thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện; phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu than - khoáng sản; nghiên cứu về an toàn, môi trường, điều kiện tự nhiên, vật liệu và hóa chất; tin học hóa, tự động hóa sản xuất; nâng cao năng lực quản lý về tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của Tập đoàn.

Đồng thời, xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ để phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi làm công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ lợi ích của đơn vị và Tập đoàn. Bên cạnh đó, TKV tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp, quản trị chi phí, quyết liệt ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đảm bảo an toàn, giảm số lao động trong dây chuyền sản xuất. Tăng cường các biện pháp quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm tài nguyên, chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tăng cường các biện pháp quản lý để nâng cao hệ số thu hồi, giảm tổn thất khai thác. Phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ tổn thất khai thác than bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất khai thác than bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020.

Thực tế, nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hóa, năng suất khai thác than của một số đơn vị trong Tập đoàn đã tăng lên đáng kể. Đơn cử như tại Công ty than Thống Nhất, nhờ cơ giới hóa đồng bộ khâu khai thác than hầm lò ở tất cả 11 lò chợ bằng máy khấu combai, xe khoan tự hành, băng tải vận chuyển than..., năng suất khai thác ở mỗi lò đã tăng từ 40 - 50 nghìn tấn/năm lên 80 - 120 nghìn tấn/năm. 

Ông Kiều Kim Trúc - Phó trưởng Ban Khoa học công nghệ thông tin và Chiến lược phát triển: Thời gian tới, TKV sẽ tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí dành cho khoa học và công nghệ, nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững toàn Tập đoàn.