Tư vấn mỏ

Công đoàn

Dự thảo Luật Lao động: Tăng tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm

Dự kiến, năm 2018-2019, Dự thảo Bộ luật Lao động (LĐ) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội. Theo Dự luật, sẽ có những thay đổi lớn trên thị trường LĐ nếu các điều khoản được thông qua, đặc biệt là về tổ chức đại diện người LĐ, tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, lương tối thiểu…

Nếu Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua, sẽ có nhiều thay đổi lớn trên thị trường lao động. Ảnh: ILO.

Người LĐ được lập các tổ chức đại diện riêng

Một trong những thay đổi lớn trong Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi là việc cho phép người LĐ được thành lập các tổ chức đại diện cho mình. Tổ chức này có thể trực thuộc hoặc nằm ngoài hệ thống công đoàn đang có hiện nay. Dù khác 2 bản dự luật lấy ý kiến năm 2016 và đầu năm 2017, Dự thảo lấy ý kiến lần 3 (hết hạn lấy ý kiến ngày 18/1/2018 vừa qua), Bộ LĐ-TB&XH (đơn vị soạn thảo) đã không công bố các chi tiết dự thảo quy định tổ chức đại diện người LĐ. Tuy nhiên, ở phần đề cương dự luật, đơn vị soạn thảo vẫn đề rõ về đại diện người LĐ (trong chương 12), với các điều khoản quy định về tổ chức đại diện người LĐ, việc thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức này (ngoài tổ chức Công đoàn đang hoạt động theo Luật công đoàn).

Theo các bản dự luật lấy ý kiến trước đó, tổ chức đại diện người LĐ tại doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở tự nguyện, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người LĐ. Tổ chức đại diện người LĐ tại doanh nghiệp gồm công đoàn cơ sở (hoạt động theo Luật Công đoàn) và các tổ chức khác của người LĐ (còn gọi là nghiệp đoàn). Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người LĐ. Các nghiệp đoàn có thể trực thuộc công đoàn, hoặc được thành lập với sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo lý giải của đơn vị soạn thảo thay đổi này phù hợp với thực tế hội nhập của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Tính tới hết tháng 5/2017, cả nước có hơn 9,7 triệu đoàn viên công đoàn, với hơn 126.500 công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, thực tế hoạt động của tổ chức công đoàn còn yếu, mang tính hình thức, chưa làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn…

Tăng tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm

Cùng với thay đổi về tổ chức đại diện người LĐ, Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi cũng đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, nâng tuổi nghỉ hưu với nữ từ 55 tuổi hiện nay lên 60 tuổi, nam từ 60 tuổi lên 62 tuổi, thời gian thực hiện từ năm 2021, với mỗi năm tăng thêm 6 tháng làm việc.

Dự luật cũng đề xuất bỏ hình thức hợp đồng thử việc, thay vào đó giai đoạn thử việc được xem là một phần của hợp đồng LĐ. Sửa đổi này nhằm ngăn chặn người sử dụng LĐ lách luật để ký các hợp đồng thử việc để giảm chi phí lương, phúc lợi, bảo hiểm xã hội… Đồng thời hướng tới hạn chế việc chủ sử dụng LĐ lợi dụng quy định hợp đồng có kỳ hạn để thải loại những LĐ lớn tuổi. Ngoài ra, quy định về lương tối thiểu vùng cũng được sửa đổi, ngoài lương tối thiểu theo tháng có thể bổ sung thêm lương tối thiểu theo tuần, theo giờ.

Đặc biệt, quy định giờ làm thêm hiện hành không quá 300 giờ/năm được đánh giá là quá ít, và thực tế nhiều doanh nghiệp đã vi phạm quy định này, do yêu cầu về các đơn hàng xuất khẩu nên số giờ tăng ca lớn hơn. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nâng số giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm, hoặc 500 giờ/năm. Tiền công tăng ca cũng được đề xuất tăng lên từ 150% tới 400% so với tiền giờ làm bình thường (tùy vào ngày làm thêm bình thường hoặc lễ, tết…).