Tư vấn mỏ

Sản xuất - Kinh doanh

Điều tra cơ bản địa chất phải đi trước một bước

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Phiên họp của Hội đồng thẩm định quốc gia “Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

 Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước; là quy hoạch lớn, chuyên môn sâu về kỹ thuật, kinh tế. Do đó, quá trình tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch phải bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Luật Quy hoạch, nhiệm vụ Thủ tướng đã phê duyệt, các nghị quyết có liên quan của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược phát triển có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương, từ đó đặt ra định hướng, nhiệm vụ ưu tiên

Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Địa chất Việt Nam) chủ trì lập quy hoạch, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin (VIMCC) làm đơn vị tư vấn lập quy hoạch.

            Báo cáo Quy hoạch do VIMCC lập đề xuất ba nội dung quan điểm như sau:

  1. Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phải đi trước một bước và phải được tiến hành trên toàn bộ phần đất liền và vùng biển, thềm lục địa Việt Nam; điều tra, đánh giá đầy đủ các điều kiện địa chất, tiềm năng tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên địa chất khác. Thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra địa chất, khoáng sản phải được quản lý tập trung, thống nhất, cung cấp kịp thời, hiệu quả cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;
  2. Tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng; điều tra tai biến địa chất phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, điều tra địa chất đô thị, địa chất môi trường, di sản địa chất; thống kê, kiểm kê, hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản quốc gia. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản, tích hợp đồng bộ với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, cơ sở dữ liệu chung của lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đảm bảo tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường;
  3. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản. Huy động các nguồn lực trong nước để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, trình độ công nghệ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

            Báo cáo đưa ra  83 nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2050, trong đó: giai đoạn 2021-2025: 20 nhiệm vụ; giai đoạn 2026-2030: 32 nhiệm vụ; giai đoạn 2031-2050: 31 nhiệm vụ.

 

 

Ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp

Kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng đề nghị cần cập nhật, bổ sung đầy đủ thông tin, số liệu, kết quả, nhất là tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong thực hiện điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản thời gian qua, không chỉ ở Bộ TN&MT mà cả ở Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam, các đại học quốc gia…. từ đó có “bức tranh” toàn diện đánh giá hiệu quả, thực chất về độ bao phủ, khối lượng công việc đã thực hiện, khả năng bổ trợ nguồn lực lẫn nhau trong hoạt động điều tra, khảo sát địa chất, khoáng sản.

Mặt khác, hoạt động điều tra cơ bản địa chất phải căn cứ vào tiến bộ khoa học - công nghệ; các ưu tiên, nhu cầu phát triển; lợi thế và yêu cầu của thị trường. Phó Thủ tướng cũng đặt câu hỏi và cho rằng cần có sự phối hợp giữa Bộ TN&MT với Bộ KH&CN để hoàn thiện các tiêu chí xác định phạm vi, quy mô triển khai, lĩnh vực cần tập trung, những nhiệm vụ mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước… Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu hoạt động điều tra cơ bản địa chất phải đi trước một bước trong ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh sạt lở bờ biển; đánh giá tiềm năng các mỏ vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng; tiềm năng khoáng sản, nguyên-vật liệu chiến lược…; đi đôi với công nghệ thăm dò, khai thác, chế biến, nhất là những khu vực có yêu cầu cụ thể, ưu tiên.

Quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch phải thống nhất cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản địa chất thống nhất, phục vụ công tác quản lý tài nguyên địa chất, khoáng sản trên cả nước, cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu. Lực lượng điều tra, khảo sát địa chất phải được quy hoạch, tổ chức lại; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trang thiết bị, máy móc hiện đại trên cơ sở rà soát toàn bộ quy định pháp luật, đặc biệt các định mức đơn giá, thiết bị kỹ thuật.

Phạm Đình Nam.