Bộ LĐTBXH đề xuất thay đổi thang, bảng lương
Bộ LĐTBXH đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tiền lương. Trong đó, bộ đề xuất quy định mới về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương.
Bộ LĐTBXH cho biết, nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang, bảng lương của doanh nghiệp và không phù hợp với cơ chế thị trường.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương theo thâm niên (để bảo đảm khoảng cách ít nhất 5%), dẫn đến không khuyến khích trả lương theo công việc mà trả theo thâm niên, người có thâm niên nhiều thì phải trả lương cao, chi phí đóng bảo hiểm xã hội cao (cùng làm một công việc nhưng doanh nghiệp phải trả lương, chi phí bảo hiểm cho người lao động làm 15-20 năm cao gấp 2-3 lần người mới vào làm việc).
Thực trạng này dẫn đến doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động có nhiều thâm niên, tìm nhiều cách để sa thải lao động để tuyển lao động mới.
Tại dự thảo, Bộ LĐTBXH đề xuất 2 phương án sửa đổi quy định trên. Phương án 1: Quy định mang tính chất định tính để doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể (bỏ quy định 5%).
Cụ thể: “Số bậc của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng”.
Theo Bộ LĐTBXH, phương án này có ưu điểm tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, quyết định việc xây dựng thang lương, bảng lương. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm do khả năng thương lượng của người lao động còn hạn chế, sức ép về việc làm lớn, tổ chức đại diện người lao động chưa đủ mạnh dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ép tiền lương của người lao động ở mức thấp.
Phương án 2: Vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này. Cụ thể, “Số bậc của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.
Phương án này có ưu điểm Nhà nước vẫn tạo ra sàn thấp nhất để tránh tình trạng doanh nghiệp ép tiền lương của người lao động ở mức thấp, nhưng có nhược điểm hạn chế quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, quyết định việc xây dựng thang lương, bảng lương, gây ảnh hưởng đến cấu trúc thang lương, bảng lương khi doanh nghiệp xây dựng.
Trong điều kiện thị trường lao động, năng lực của công đoàn cơ sở, sức ép việc làm hiện nay thì cần có lộ trình thực hiện, vì vậy Bộ LĐTBXH đề nghị chọn phương án 2.
Các tin khác:
- Hội nghị tổng kết phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025
- Tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng cán bộ công đoàn năm 2024
- Gặp mặt Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
- Công đoàn Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp thăm, động viên NLĐ bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra
- Công đoàn Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp phối hợp cùng chuyên môn tổ chức “Bữa cơm Công đoàn” năm 2024.
- Công đoàn VIMCC tổ chức gặp mặt, tặng quà cho các cá nhân, tổ đội tiêu biểu xuất sắc nhân dịp Tháng công nhân năm 2024.
- Công đoàn TKV thăm, tặng quà cho Công đoàn Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp nhân dịp Tháng công nhân năm 2024.
- Hội nghị rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2023 - 2028, và quy hoạch cán bộ Công đoàn Công ty nhiệm kỳ 2028 - 2033
- Hơn 9.000 công nhân ngành than thu nhập trên 300 triệu đồng/năm
- Hội nghị Tổng kết công tác Công đoàn-Đoàn thanh niên Công ty năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024